• Tel: 0989 201 166
  • Email: sonnicespace.vn@gmail.com
Tin tức

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ SƠN

  28/08/2017

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ SƠN

Sơn là gì? Tại sao phải dùng sơn?
Sơn là một hỗn hợp đồng nhất trong đó có chất tạo màng liên kết với các chất màu tạo màng liên tục có khả năng bám dính lên bề mặt vật chất. Hỗn hợp được điều chỉnh với một lượng phụ gia và dung môi tùy theo chất của mỗi loại sản phẩm.Sơn là sản phẩm có nhiều màu sắc phong phú và đa dạng, có đặc tính che phủ, bám dính được nhiều bề mặt khác nhau. Chính vì thế sản phẩm sơn được sử dụng rất rộng rãi với các mục đích:
- Trang trí
- Bảo vệ
- Các chức năng khác.

Sơn Nice Space có những thành phần cơ bản nào?
Thành phần cơ bản của sơn Nice Space bao gồm:
- Chất kết dính (Chất tạo màng)/ nhựa Acrylic.
- Bột màu/ bột độn.
- Phụ gia
- Dung môi
Chất kết dính (nhựa): là chất kết dính cho tất cả các bột màu và tạo màng bám dính trên bề mặt vật chất. Chất kết dính sử dụng trong sơn được xác định bởi loại sơn, khả năng sử dụng và mục đích sử dụng. Chất kết dính phải bảo đảm về khả năng bám dính, liên kết màng và độ bền màng.
Bột độn (Extender): Bột độn sử dụng trong thành phần của sơn nhằm cải thiện một số tính chất sản phẩm như: Tính chất màng sơn (độ bóng, độ cứng, độ mượt…), khả năng thi công, kiểm soát độ lắng…
Các chất độn thường được sử dụng như: Carbonat Canxi, Kaolin, Talc…
Bột màu (Pigments): Nguyên liệu màu sử dụng trong sơn thường ở dạng bột. 
Chức năng chính của màu là tạo màu sắc và độ che phủ cho sơn. Ngoài ra, màu còn ảnh hưởng tới một số tính chất màng sơn như: độ bóng, độ bền…
Màu gồm 2 loại: Màu vô cơ và màu hữu cơ
- Màu vô cơ (Màu tự nhiên): Tone màu thường xỉn, tối (trừ dioxid Titan), cho độ phủ cao, độ bền màu tốt.
- Màu hữu cơ (Màu tổng hợp): Tone được màu tươi (sáng), cho độ phủ thấp, độ bền màu thường thấp hơn màu vô cơ.
Phụ gia: là loại chỉ sử dụng với 1 lượng rất nhỏ nhưng làm tăng giá trị sử dụng, khả năng bảo quản, tính chất màng.
Dung môi: là chất hòa tan nhựa hay pha loãng sơn. Đặc tính nhựa trong sơn sẽ quyết định lọai dung môi sử dụng.


Các yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng sơn phủ? 
Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sơn phủ như sau:
- Sự lựa chọn sản phẩm phù hợp cho sử dụng
- Công tác chuẩn bị bề mặt (xử lý bề mặt trước khi sơn)
- Quá trình tiến hành sơn
- Chất lượng của sản phẩm sơn
Với bất cứ 1 yếu tố nào không đạt đều gây ra những ảnh hưởng với tuổi thọ của lớp sơn phủ công trình.

Tại sao phải xử lý bề mặt?
Vì xử lý bề mặt càng tốt thì kết quả thu được (chất luợng màng sơn, tuổi thọ màng, giá thành đầu tư) sẽ tốt hơn. Do đó bất cứ việc thi công sơn như thế nào, dù lớn hay nhỏ, mới hay cũ, trong hay ngoài, nền gạch hay kim loại cũng phải bắt đầu bằng việc xử lý bề mặt.
Mỗi thao tác đúng đều làm tăng khả năng bảo vệ bề mặt thi công. Nếu xử lý không đúng sẽ làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm.
Các giai đoạn trong xử lý bề mặt: 
- Loại bỏ tạp chất trên bề mặt: lớp sơn cũ, dầu mỡ hay bụi bẩn ……..
- Sửa chữa các khuyết tật bề mặt: trám trét các lỗ, tạo bề mặt bằng phẳng.
- Lau sạch và khô.

 

Tại sao phải dùng sơn lót chống(Kháng) kiềm?
Sơn lót chống kiềm là lớp rất quan trọng, có các tác dụng sau:
- Tạo độ bám dính cho bề mặt sử dụng và lớp sơn phủ.
- Bảo vệ lớp sơn phủ không bị các phản ứng hóa học xảy ra từ bên trong như kiềm, thấm, ăn mòn, tránh cho lớp sơn phủ không bị hiện tượng biến đổi màu do kiềm hóa, bị ố vàng, bong tróc hay bị gỉ sét… Như vậy, lớp sơn lót làm tăng độ bền cho lớp sơn phủ.

Sự lựa chọn và cách thực hiện lớp sơn lót chống kiềm như thế nào cho phù hợp?
Vì tính chất quan trọng của lớp sơn lót nên khi thi công lớp này phải đảm bảo toàn bộ bề mặt được sơn.
- Đối với bề mặt bằng phẳng, không khuyết tật thì có thể sử dụng bất cứ loại dụng cụ để sơn, nhưng đối với bề mặt lồi lõm có góc cạnh thì ta phải chọn lựa dụng cụ thi công cho phù hợp.
- Ví dụ: Đối với bề mặt bêtông, có thể sử dụng rulô hay cọ để thi công nhưng đối với bề mặt kim loại nên dùng súng phun hay cọ.
- Việc lựa chọn sơn lót cũng rất quan trọng. mỗi sản phẩm đều có sơn lót đi kèm với nó, tuy nhiên trong một số điều kiện nhằm tăng tính sử dụng người ta có thể sử dụng loại sơn lót thích hợp khác. 

Sự lựa chọn sơn phủ và các phương pháp thi công?
Lớp sơn phủ phải có khả năng trang trí, chịu được điều kiện môi trường hay những yêu cầu đặc biệt khác. Vì vậy tùy theo yêu cầu công trình mà có sự lựa chọn sản phẩm cho đúng.
* Các phưong pháp thi công sơn thủ công:
- Lăn sơn bằng rulô.
- Quét sơn bằng cọ.
- Phun sơn bằng súng phun.
- Trét sơn bằng dao ( lớp puty).
- Nhúng sơn.
* Các lựa chọn phương pháp thi công sơn phụ thuộc vào: 
- Loại sơn.
- Điều kiện bề mặt.

Có nên dùng sản phẩm cùng hệ thống không?
Nên sử dụng sản phẩm cùng hệ thống để đạt hiệu quả tối ưu nhất vì mỗi hãng sản xuất đếu có những điều khác biệt với nhau. Trong cùng một hệ thống sơn thì mỗi lớp sơn đều có tác dụng bổ trợ lẫn nhau.

Sơn nội thất và ngoại thất khác nhau như thế nào? Có cách nào để phân biệt không?
Sơn nội thất được sử dụng cho bên trong nhà, loại sơn này ít có khả năng chống rêu mốc, không chịu tác động của môi trường.

Sơn ngoại thất là loại sơn sử dụng cho bên ngoài nhà và cả bên trong nhà, nó có khả năng chống rêu mốc, chịu được tác dụng của môi trường như nắng, mưa…
Nếu dùng sơn nội thất sơn bên ngoài sẽ xảy ra các hiện tượng như: 
- Màng sơn bị phấn hóa.
- Màng sơn bị rêu mốc.
- Màng sơn bị phai màu.

Vì vậy loại sơn trong nhà tuyệt đối không được sơn bên ngoài nhà.
Trên bao bì sản phẩm sơn đều ghi rõ loại sơn (nội hay ngoại thất), vì vậy cách phân biệt là đọc kỹ bao bì.

Thời gian lưu trữ của sơn phụ thuộc vào các yếu tố nào? Cách bảo quản như thế nào?
Thời gian lưu trữ của sơn phụ thuộc vào chất lượng của sơn chứa trong thùng và điều kiện môi trường bảo quản.
Cách bảo quản như sau: 
- Để thùng sơn ở vị trí thẳng đứng. Nắp thùng sơn phải đậy kín.
- Tồn trữ nơi thoáng mát. Tránh nơi có nhiệt độ cao.

Các màu sơn có khác nhau về giá thành không? Có thể đặt màu sơn theo ý muốn không?
Màu sơn phụ thuộc vào loại màu sử dụng và cường độ đậm nhạt. Vì thế sẽ có sự chênh lệch về giá thành giữa màu thường và màu đặc biệt.
Chỉ cần có màu sơn thì hoàn toàn có thể đặt màu theo yêu cầu.

Màu sơn thực tế có giống như trên bảng màu không? Màu sơn có thể bị phai theo thời gian không?
Màu trên bảng màu với màu thực tế có sự chênh lệch vì màu trên bảng màu phụ thuộc vào kỹ thuật in. 
Thông thường màu sơn trên thực tế sẽ có màu đậm hơn trên bảng màu do trên diện tích rộng. Ngoài ra màu sắc trông sáng hơn hay đậm hơn còn tùy thuộc vào loại màu, không gian và ánh sáng. Dưới tác động của môi trường, màu sắc có thể bị phai dần. Chất lượng hay độ bền màu phụ thuộc vào chất lượng của sản phẩm, điều kiện bề mặt, điều kiện thi công và điều kiện môi trường.

Các bước để chọn màu phù hợp cho ngôi nhà như thế nào? Các nguyên tắc để có được sự phối màu hài hòa, như ý?
Không có luật lệ nào trong vấn đề màu sắc, vì nó thuộc về sự cảm nhận của mỗi người. Đây chỉ là vài bước cơ bản giúp được bạn có thể chọn được màu như ý:
- Đầu tiên cần chọn màu chính cho căn phòng, dựa trên màu này sẽ chọn sự phối hợp màu.
- Sự phối hợp hài hòa tổng thể màu sắc trong căn phòng là điểu vô cùng quan trọng. Ngoài vấn đề sự hài hòa màu sắc của trần, tường…bạn phải để ý đến sàn nhà và đồ vật bạn đặt trong phòng.
- Bạn chọn màu theo bảng màu của nhà sản xuất . Bạn nên xem màu bằng ánh sáng ban ngày và ban đêm để có thể thấy được ánh màu thay đổi. 
- Sau cùng bạn nên mua một lượng sơn theo đơn vị nhỏ nhất của nhà sản xuất để sơn thử. Lúc này bạn sẽ có sự lựa chọn đúng nhất khi thấy màu chọn thể hiện trên tường.
- Bạn nên lưu ý với màu chọn trên bảng màu nhưng khi lăn trên 1 diện tích rộng sẽ cảm nhận màu đậm hơn bảng màu.

Màu sắc có ảnh hưởng đến kích thước căn phòng hay không ?
Thông thường màu nóng, đậm như đỏ, màu cam và màu vàng tạo không gian bị thu hẹp lại. các màu này được coi như màu động vì nó rất nổi bật.
Ngược lại các màu xanh dương, xanh lá, tím tạo không gian rộng rãi hơn vì đây là những màu tĩnh. Tuy nhiên đối với những màu như xanh đậm cũng làm cho kích thước căn phòng nhỏ lại. Những căn phòng có diện tích nhỏ, để tạo không gian rộng rãi hơn ta nên sử dụng màu trắng hay màu nhẹ ôn hòa.

Độ phủ là gì? làm cách nào xác định lượng sơn cần thi công ?
Độ phủ là số m2 mà 1lít (hay kg) sơn có thể phủ được. Cách xác định lượng sơn cần: 
- Phải xác định chính xác diện tích cần sơn.
- Tra độ phủ của loại sản phẩm cần sơn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Từ đó tính lượng sơn cần sử dụng.

Tại sao phải thi công 2 lớp hoặc 3 lớp sơn phủ ?
Chất lượng và sự đồng màu của màng sơn khi lăn 2 lớp, 3 lớp sơn phủ luôn tốt hơn 1 lớp. Sơn 1 lớp không đảm bảo sự che lấp đều trên bề mặt.

Pha nhiều nước thì có ảnh hưởng đến chất lượng của sơn nước hay không ?
Khi pha loãng nước nhiều hơn yêu cầu cho phép của nhà sản xuất thì chất lượng màng sơn sẽ yếu đi do đó dễ bị phấn hóa, rêu mốc, khi thi công cũng sẽ khó hơn vì bị chảy do loãng.

Khi thi công thì có cần tuân thủ đúng thời gian sơn cách lớp không ?
Phải tuân thủ đúng thời gian sơn cách lớp để đảm bảo đúng chất lượng. Thời gian đó có thể xê dịch đôi chút do thời tiết hay nhiệt độ nhưng phải đảm bảo lớp trước khô thì mới tiếp tục sơn lớp tiếp theo.

Dùng sơn trắng lăn thay cho sơn lót được không ?
Không dùng sơn trắng thay cho sơn lót chống kiềm được vì sơn trắng không có tính năng đặc biệt cần thiết của sơn lót như: tạo lớp bám dính trung gian giữa bề mặt và lớp sơn phủ, khả năng chống kiềm, chống ố, bảo vệ bề mặt lớp phủ.

Dùng xi măng trắng thay cho sơn lót được không?
Không được dùng xi măng trắng thay sơn lót vì: 
- Không tạo màng nên không tạo được lớp bám dính trung gian.
- Dễ bị phấn hóa làm bong tróc lớp phủ.
- Không có khả năng kháng kiềm

Bề mặt tường sơn cũ, khi sơn mới lại có cần sơn lót hay không?
Nếu sơn lớp cũ còn tốt, cần chà nhám sơ, làm sạch bề mặt là có thể sơn lại lớp phủ.
Nếu lớp sơn cũ bị bong tróc, thấm ố, rêu mốc thì phải xử lý bề mặt và sử dụng loại sơn lót thích hợp để sơn lại.

Lăn sơn trên bề mặt cũ có đảm bảo không?
Nếu xử lý bề mặt đúng cách thì chất lượng sơn được đảm bảo.

Sơn nội thất có khả năng chống thấm không?
Sơn nội thất có khả năng chống thấm được nhưng chỉ với loại sơn bóng hoặc siêu bóng. Còn loại sơn mịn chỉ có tính trang trí, ít có khả năng chống thấm.

Bề mặt tường bị nứt có thể lăn sơn đè lên vết nứt không?
Nếu chỉ bị nứt nhỏ thì có thể lăn lên được. Nếu bị nứt nhiều và rộng cần phải xử lý bề mặt mới được sơn lên.

Có cách nào kiểm tra bề mặt đã sơn phủ mà không sử dụng sơn lót kháng kiềm hay không?
Đối với sơn nước nếu không sử dụng sơn lót chống (Kháng) kiềm thì sự ố dễ xảy ra nhất đó là màng sơn bị kiềm hóa. Để kiểm tra, ta cần bóc tách một diện tích nhỏ của màng sơn phủ ra khỏi bề mặt, quan sát mặt trong của màng sơn phủ có lớp sơn trắng hoặc lớp sơn trắng trong hay không, nếu không thì chắc chắn không có lớp lót.
Mặt khác ta cũng có thể kiểm tra sau khi bóc lớp sơn phủ ra được mà mặt trong của màng sơn vẫn có màu trắng thì cũng có thể lớp sơn đó là lớp sơn lót  bằng sơn trắng chứ không phải lớp sơn lót kháng kiềm. 

Dùng sơn nước lăn trên bề mặt sơn dầu alkyd được không?
Không dùng sơn nước lăn trên bề mặt sơn dầu alkyd vì sơn alkyd thuộc loại sơn dung môi, tính chất khác hoàn toàn so với sơn nước.

Cách tiêu biểu thực hiện sơn 1 căn phòng như thế nào? 
Cách thực hiện theocác thứ tự sau:
Sơn trần (sơn nước)>>> sơn tường (sơn nước)>>> sơn cửa đi (sơn dầu)>>> sơn cửa sổ (sơn dầu)>>> sơn chân tường (sơn nước).

Cách thực hiện sơn trần, tuờng và chân tường như thế nào cho đúng kỹ thuật?
Các bước thực hiện:
- Đầu tiên thực hiện sơn trần, trước hết thực hiện sơn các góc. Dùng cọ(chổi) loại nhỏ để sơn các góc trước khi lăn các đường nằm ngang rộng 75cm trên trần bằng rulô.
- Sử dụng thang hay dùng rulô có cán dài để sơn.
- Sơn trần xong tiến hành sơn tường.

Sự khác nhau giữa các loại sơn mịn, bóng(bóng mờ), siêu bóng là gì?
- Sơn mịn thường không có khả năng chống bẩn, không chủi rửa được.
- Sơn hoàn thiện bóng (Bóng mờ) dễ làm sạch và thích hợp cho các chi tiết nghệ thuật cao.

- Sơn siêu bóng có độ sáng và chùi rửa được nhiều lần, vì thế thích hợp cho các công trình có mục đích sử dụng cao. Nên sơn loại này trong nhà bếp, phòng tắm và cửa để đạt lợi ích cao nhất.

Cách xử lý đối với công trình bị thấm từ bên trong ra?
Đối với một số công trình bị thấm không phải do từ bề mặt tường ngoài thấm vào mà do có sự thấm từ mái, góc tường…gây ra hiện tượng bị thấm và loang ố trên bề mặt. Trong trường hợp này ta phải xử lý như sau:
- Chặn nguồn thấm và chờ khô (tuyệt đối không được sơn ép khi chưa khô tường).
- Dùng sơn lót chống kiềm ngoài trời đưa vào làm sơn lót là tốt nhất.
- Lớp phủ sử dụng sơn chống thấm cho ngoại thất còn nội thất có thể sử dụng sơn chống thấm hay bằng loại sơn nước phù hợp. 


Sơn chống thấm có thể sơn lên những bề mặt nào? Các lưu ý khi thi công sơn chống thấm? 
Sơn chống thấm là loại sơn có khả năng kháng nước gốc Acrylic. Nó có thể sử dụng tốt trên các bề mặt như: tường bêtông, xi măng, bể nước, mái nhà…

Cần lưu ý khi thi công: 
- Phải khuấy đều trước khi sử dụng.
- Dùng rulô chịu dầu.
- Lăn dứt khoát, tránh lăn đi lăn lại nhiều lần.
- Khi sơn lớp thứ 2 phải bảo đảm thời gian sơn cách lớp như khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Phải đeo khẩu trang và kính bảo vệ mắt.
Không dùng sơn lót trước khi sơn chống thấm được không?
Không nên vì: sơn chống thấm tuy có khả năng chống thấm nhưng nó cũng là 1 sản phẩm trang trí có màu sắc. Vì thế màng sơn cũng sẽ bị xảy ra hiện tượng kiềm hóa khi bề mặt có độ kiềm cao.
Vì vậy nên dùng sơn lót cho sơn chống thấm trước khi sơn phủ sơn chống thấm. còn các loại sơn chống thấm trộn xi măng thì sơn trực tiếp mà không cần sơn lót.

Tại sao khi thi công sơn chống thấm có hiện tượng kéo sợi trên rulô?
Sơn chống thấm là loại sơn có độ bay hơi nhanh vì thế sơn rất mau khô. Nguời thợ thi công lăn lâu cho một lần nhúng sơn sẽ xảy ra hiện tượng sơn bắt đầu khô nên khi lăn tạo sợi trên bề mặt và rulô làm cho bề mặt không bằng phẳng và sần sùi.
Sau khi sơn lớp thứ 1 mà không chờ đủ thời gian sơn cách lớp mà sơn luôn lớp thứ 2 thì sẽ gây hiện tuợng màng sơn lớp thứ 2 tạo trạng thái không đồng đều làm nhăn bề mặt. nguyên tắc lăn sơn chống thấm phải lăn dứt khoát, tránh lăn đi lăn lại nhiều lần trên cùng một lần lăn.

Có thể sơn dầu lên bề mặt mastic hay không?
Có thể sơn lên bề mặt bêtông hay mastic, lưu ý khả năng chịu kiềm của sơn dầu yếu hơn sơn nước. Vì thế nếu bề mặt có độ kiềm cao, màng sơn sẽ nhanh chóng bị phá hủy. Khả năng co dãn của sơn dầu trong môi truờng ẩm nhiều của bề mặt tường không tốt nên cũng dễ bị bong tróc, hay màng sơn bị mềm.

Với thời tiết và khí hậu tại miền bắc Việt nam là nóng ẩm quanh năm vì vậy sơn dầu sẽ gây ra hiện tượng hay bị loang màu vì vậy lựa chọn sơn gốc nước là tốt hơn.

Làm cách nào để sơn trên bề mặt sơn cũ có độ bóng cao?
Dùng giấy nhám(giáp) chà trên màng sơn và làm sạch sau khi chà. Sau đó có thể sơn.

Cách xác định loại rulo dùng thi công như thế nào?
Sử dụng rulô có chất lượng sẽ thi công dễ dàng hơn, tạo bề mặt đều đẹp hơn.
Rulô bằng lông cừu được khuyến khích cho thi công sơn epoxy và sơn dầu, cũng có thể sử dụng rulô bằng sợi tổng hợp. Đối với bề mặt phẳng mịn dùng rulô có chiều dài phần sợi là 3/8" đến ½". Bề mặt tường gạch, bề mặt sần sùi dùng rulô sợi dài ¾" đến 1". Dùng loại rulô sợi dài ¼" cho bề mặt gạch khối hay cho bề mặt rất sần sùi và rulô sợi ngắn 3/16" cho bề mặt nhẵn mịn khi thi công sơn men.

Tại sao không nên thi công sơn khi trời mưa hoặc trời quá nắng?
Không nên thi công sơn khi trời mưa vì trời mưa làm nhiệt độ không khí giảm, độ ẩm cao. Làm ảnh hưởng đến thời gian khô của sản phẩm. Không những thế, trời mưa còn gây hiện tượng bị ngấm tường, nếu ta cứ thi công sau ngày dễ xảy ra hiện tượng bong tróc. Trong trường hợp trời mưa mà tường không bị thấm, độ ẩm bề mặt bột đạt để thi công thì có thể tiến hành lăn sơn bên trong.
Lưu ý: Ngay cả khi nhiệt độ xuống thấp không nên thi công sơn vì màng sơn dễ bị đốm, nổi hạt, lâu khô, đổ mồ hôi.
Không nên thi công khi trời quá nắng vì sau khi thi công sơn cần ở dạng lỏng 1 thời gian để thấm vào bề mặt vật chất và bám dính lên bề mặt. Khi sơn ở nhiệt độ cao sẽ làm cho dung môi bay hơi nhanh dẫn đến hiện tượng màng sơn dễ bong tróc do độ bám giảm, màng sơn dễ rạn, nhăn nứt do biến đổi đột ngột về trạng thái.

Sau khi thi công thì bao lâu sẽ hết mùi sơn?
Sau khi thi công, trong phòng thường còn mùi sơn. Khi sơn xong nên mở toàn bộ các cửa để tạo không không khí thoáng trong phòng, tạo điều kiện cho mùi nhanh chóng bay hết.
Thông thường sơn nước sau khoảng 2-3 ngày thì mùi bay hết.

Làm thế nào để tránh sự chấp vá hay sơn không đều? 
Màng sơn hoàn thiện trên bề mặt như bị chấp vá. Nó có thể do các yếu tố sau: 
- Lớp sơn hoàn thiện được sơn trên bề mặt có các vết đốm do trét mastic.
- Độ thấm hút trên bề mặt sơn không đều.
- Bề mặt có độ kiềm cao làm ảnh hưởng đến màu sắc.
- Bề mặt mastic chưa khô hẳn hoặc quá dày. 
- Thi công lớp hoàn thiện không đều.
Để tránh hiện tượng màng sơn không đều phải thực hiện tốt các công đoạn xử lý bề mặt như đã khuyến cáo, bắt buộc phải có lớp sơn lót chống(kháng) kiềm đối với sơn phủ, người thợ phải có kinh nghiệm thi công.

Sự cố thường gặp đối với sơn

1. Màng sơn bị rỗ. 
Hiện tượng: Trên bề mặt màng sơn có những hạt hoặc rỗ 
Nguyên nhân: 
+ Trường hợp có hạt : 
Do có lẫn những vẩy hoặc những mẩu sơn khô. Vì các nguyên nhân sau : 
- Sơn bị khô trên thành vật chứa sơn khi thi công hay do bụi bẩn bắn vào. 
- Sau khi thi công lần trước không rửa thật sạch dụng cụ thi công, để các vảy sơn sót lại. 
- Vệ sinh bề mặt không kỹ, để lại trên bề mặt nhiều bụi (sau khi xả nhám lớp mastic). 
+Trường hợp có lỗ: 
- Do pha sơn quá loãng đã tạo ra nhiều bọt khí. Khi thi công thì bọt khí hiện diện trên màng sơn. Khi khô 
vỡ ra tạo thành lỗ. 
- Nếu là sơn dung môi - sơn dầu -thì do xử lý bề mặt cần sơn không kỹ. 

2. Màng sơn bị nhăn. 
Hiện tượng: Sau khi khô màng sơn bị nhăn nheo, sần sùi ,không mượt , phẳng . 
Nguyên nhân: 
- Con lăn (roller) không thích hợp : Con lăn có lông quá dài sẽ tạo nên bề mặt có vân lớn, sần sùi . 
- Sơn dày quá hoặc sơn không đều, chỗ dày, chỗ mỏng làm cho sơn không khô cùng lúc. Bề mặt bên ngoài 
khô trước, lớp bên trong vẫn chưa kịp khô nên bề mặt ngoài bị nhăn. 
- Sơn dưới trời nắng gắt, lớp ngoài bị khô quá nhanh ,lớp bên trongchưa kịp khô nên bề mặt ngoài bị nhăn. 
- Sơn xong gặp trời lạnh, nhiệt độ giảm đột ngột cũng làm cho lớp trong khô chậm và lớp ngoài khô nhanh. 

3. Màu sơn không đồng nhất. 
Hiện tượng: Khi chỉ dùng một loại sơn màu nhưng không đều màu 
Nguyên nhân: 
- Do không khuấy đều thùng sơn trước khi lăn. 
- Thợ thi công không đều tay. 
- Dụng cụ thi công khác nhau . 
- Dặm vá không khéo léo. 
- Mỗi lần thi công, sơn được pha loãng với tỷ lệ khác nhau . 

4. Sơn bị phấn hóa.
Hiện tượng : Bề mặt màng sơn có bột trắng (dạng phấn) 
Nguyên nhân : 
- Dùng loại sơn rẻ tiền , tỷ lệ chất độn / chất tạo màng cao . 
- Tia tử ngoại và thời tiết ảnh hưởng xấu đến màng sơn. 
- Do pha sơn quá loãng làm giảm độ độ kết dính của sơn. 
- Thời gian sử dụng quá thời gian cho phép.
- Dùng sơn nội thất đem sơn ngoại thất.

5. Màng sơn bị phồng rộp. 
Hiện tượng : Sau khi khô, hình thành túi (bóng) khí trong màng sơn . 
Nguyên nhân : 
- Do bề mặt cần sơn thường xuyên bị ẩm ướt 
- Do thi công trên bề mặt quá ẩm . 
- Điều kiện thi công không đảm bảo : nhiệt độ thấp , thời tiết quá ẩm ướt . 
- Thời gian sơn cách lớp quá ngắn . 
- Không sơn lớp sơn lót kháng kiềm.
- Dùng sơn trắng thay cho sơn lót kháng kiềm.

6. Màng sơn bị bong tróc 
Hiện tượng : Sau khi khô, màng sơn bị bong tróc . Có hai hiện tượng : 
* Tróc toàn bộ lớp màng . 
* Tróc 1 hoặc hơn 1 lớp màng 
Nguyên nhân : 
- Xử lý bề mặt không tốt, còn bụi bám hay các chất làm giảm độ bám dính như dầu, mỡ, sáp ... 
- Thi công không đúng hệ thống, không sử dụng sơn lót ... 
- Do màng sơn đã bị phồng rộp hoặc phấn hóa.  

7. Màng sơn bị nứt nẻ 
Hiện tượng : Sau khi khô, màng sơn xuất hiện những vết rạn, vết nứt . 
Nguyên nhân : 
- Sử dụng loại sơn rẻ tiền, chất lượng quá thấp . 
- Pha quá loãng hoặc lăn sơn quá mỏng . 
- Dùng hai lớp sơn có độ co dãn khác nhau . 
- Sử dụng lớp mastic không đạt chất lượng, dễ bị răn, nứt.
- Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh 
- Kết cấu vật cần sơn yếu. Ví dụ như móng bị lún, tường bị xé . 
8. Màng sơn bị rêu , mốc 
Hiện tượng: Sau khi khô, trên màng sơn những đốm, vệt mốc đem , xanh ... 
Nguyên nhân: 
- Do bề mặt cần sơn bị ẩm. 
- Sơn lớp sơn lên bề mặt đã bị mốc sẵn mà không qua xử lý. 
- Sơn lớp sơn quá mỏng hoặc chỉ sơn 1 lớp, không đủ lượng chất chống mốc cần thiết. 
- Dùng sơn nội thất đem sơn ngoại thất. 

9. Màng sơn bị mất màu 
Hiện tượng : Sau khi khô một thời gian,màng sơn bị nhạt màu hoặc mất hẳn màu . 
Nguyên nhân : 
- Màng sơn bị phân hủy dưới tác dụng của tia tử ngoại và nhiệt độ cao . 
- Dùng sơn nội thất đem sơn cho ngoại thất . 
- Bị cháy do kiềm hóa: do không dùng lớp sơn lót chống kiềm . 
- Nhà sản xuất dùng màu không phù hợp mục đích sử dụng . 

10. Màng sơn bị cháy kiềm (kiềm hóa) 
Hiện tượng : Màng sơn bị mất màu, có những đốm loang . 
Nguyên nhân : 
- Do độ kiềm của hồ, vữa quá cao tấn công vào lớp màng sơn, làm suy yếu chất kết dính, dẫn đến mất 
màu và xuống cấp toàn bộ màng sơn. 
- Do lớp hồ vữa quá tươi hoặc lớp mastic có độ kiềm cao. 
- Không dùng lớp sơn lót chống kiềm. 

11. Màng sơn bị muối hóa 
Hiện tượng: Bề mặt màng sơn có một lớp chất trắng như muối, thường gặp nhất là sơn màu đậm . 
Nguyên nhân : 
- Do thi công trên bề mặt tường mới và ẩm. 
- Sự hình thành muối canxi CaCO3 do ẩm và mưa đọng lại trên bề mặt màng sơn . 

12. Màng sơn bị Xà phòng hóa 
Hiện tượng: Bề mặt màng sơn bị nhớt và biến màu, thường xảy ra ở sơn dung môi . 
Nguyên nhân: 
- Do hồ vữa mới có độ kiềm cao phản ứng với sơn 
- Do xà phòng hoặc kiềm đọng lại trên màng sơn một thời gian dài. 

13. Màng sơn bị lệch màu 
Hiện tượng: Khi dặm vá bị lệch màu 
Nguyên nhân : 
- Do sử dụng sơn khác màu để dặm vá . 
- Lớp lót không đều hoặc không lót , nên khi dặm vá giống như sơn lớp thứ hai lê lớp thứ nhất . 
- Sử dụng dụng cụ thi công khác nhau để dặm vá. 
- Pha sơn không đúng tỉ lệ.
- Nhiệt độ khi dặm vá khác với khi sơn các lớp sơn trước 
- Người thi công có tay nghề kém . 
- Nhà sản xuất kiểm soát màu không kỹ . 

14. Màng sơn có độ phủ kém 
Hiện tượng : Bề mặt màng sơn không che phủ hết lớp nền . 
Nguyên nhân : 
- Pha sơn quá loãng . 
- Sử dụng loại sơn rẻ tiền . 
- Gia công không đúng theo quy trình. 
- Tay nghề thi công thấp, lăn không đều. 

15. Màng sơn bị chảy 
Hiện tượng: Bề mặt màng sơn không bằng phẳng . 
Nguyên nhân : 
- Do vệ sinh bề mặt cần sơn không kỹ , còn sót lại nhiều bụi của lớp mastic . 
- Pha sơn quá loãng. 
- Tay nghề thi công kém. 

QUY TRÌNH THI CÔNG SƠN, BẢ

Gồm 3 bước:

  1. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN

Việc đánh giá tổng quan ngôi nhà cần sơn là rất quan trọng và không thể bỏ qua, nó quyết định chất lượng ngay, trong và sau khi sơn.

Đầu tiên là bạn cần phải xác định bề mặt cần sơn đó có bị lồi lõm hay gồ ghề gì không ? Sử dụng vữa chát có đảm bảo như độ mịn, không có tạp chất, có bị ngấm hay rò rỉ nước vào không, bề mặt cần sơn có bị nấm mốc, dầu mỡ gì không?…..nếu có phải đề nghị phượng án xử lý kịp thời như lồi, lõm, lẫn tạp chất, triệt tiêu những chỗ bị ngấm, rò rỉ nước, ….. nếu không sơn sẽ bị bong tróc, phấn hóa, loang màu, ố vàng, …. ngay trong khi sơn hoặc trong quá trình sử dụng.

* Chú ý: Chỉ được thi công sơn khi thời tiết khí hậu khô ráo, tuyệt đối không thi công sơn trong điều kiện thời tiết không đảm bảo như trời có mưa, có gió bão, ẩm ướt, trời nồm ẩm, tường quá khô, thời tiết quá hanh, nhiệt độ quá 35˚C và dưới 10˚C.

  1. XÁC ĐỊNH DIỆN TÍCH CẦN SƠN, BẢ VÀ CHỌN CHỦNG LOẠI SƠN PHÙ HỢP.

    1. Xác định diện tích sơn trong nhà:

Diện tích sơn trong nhà = (Diện tích mặt sàn x Số tầng) x hệ số sơn trong nhà.

Trong đó: Hệ số sơn trong nhà dao động từ 3 đến 4.5.

  • Đối với nhà ít cửa, nhiều tường ngăn - Hệ số từ 4.2 – 4.5

  • Đối với nhà cửa trung bình, ít tường ngăn - Hệ số từ 3.8 – 4.0

  • Đối với nhà cấp 4 có trần, ít cửa - Hệ số từ 3.2 – 3.5

  • Đối với nhà cấp 4 không có trần - Hệ số từ 3.0 - 3.2

* Chú ý: Hệ số trên chỉ mang tính chất tương đối và theo cách tính tổng diện tích, nếu bóc tách ra từng phòng thì không còn chính xác nữa.

    1. Xác định diện tích sơn ngoài nhà

Diện tích sơn ngoài nhà = diện tích mặt ngoài nhà x hệ số sơn ngoài nhà.

Trong đó: Hệ số sơn ngoài nhà dao động từ 1.2 đến 1.8

    1. Lựa chọn chủng loại sơn.

Căn cứ vào diện tích đã tính được ở trên chúng ta nên bóc tách từng phần như diện tích tường trong nhà, trần trong nhà, trần ngoài trời, diện tích tường ngoài trời để lựa chọn sơn chủng loại sơn nào cho phù hợp, giảm được chi phí mà vẫn đảm bảo được yêu cầu.

VD như: Phần sơn ngoài nhà: Là phần diện tích phía bên ngoài trời chịu thời tiết khắc nghiệt như mưa, nắng nóng, ẩm,….. vì vậy chúng ta nên chọn Nice Space Glaze (HT-16) là lựa chọn tối ưu nhất.

Phần sơn trong nhà: Gồm có sơn tường trong nhà, sơn trần trong nhà, sơn khu bếp, nhà vệ sinh,…. Phần tường trong nhà bạn có thể lưa chọn nhiều chủng loại sơn phủ cho thích hợp, riêng khu bếp và khu vệ sinh bạn nên chọn chủng loại sơn siêu bóng cao cấp như Nice Space Glaze(HT-16).

Từ khối lượng tổng thể của ngôi nhà chúng ta cần phải bóc tách thành từng khối lượng nhỏ. Trước tiên là phải xác định diện tích sơn trần rồi đến diện tích sơn tường trong nhà sau đó xác định chủng loại, màu sơn cho từng khối lượng nhỏ đó như phòng khách, phòng ngủ, nhà ăn,…..

  • Diện tích sơn trần trong nhà = Diện tích mặt sàn x số tầng

  • Diện tích sơn tường trong nhà = Diện tích sơn trong nhà - Diện tích sơn trần trong nhà

 

  1. THI CÔNG SƠN BẢ

Gồm có 3 giai đoạn:

    1. Chuẩn bị bề mặt.

Như đã trình bày ở phần trên, công việc chuẩn bị này là không thể thiếu. Bề mặt cần sơn phải được làm sạch bụi bẩn, dầu mỡ, rêu mốc, tạp chất, ….và được bả phẳng bằng bột bả chống thấm Nice Space cao cấp. Để đạt hiệu quả tối đa của bả, trước khi bả cần phải làm ẩm tường, tránh để tường quá khô gây ra bong tróc bả, có lỗ châm kim sau khi bả.

Hòa tan bột bả với nước sạch bằng máy thành hỗn hợp dạng sền sệt đồng nhất, ngâm hỗn hợp trong vòng 5 đến 10 phút cho tan hết (Để chánh bị vón cục, cho bột bả vào nước chứ không cho nước vào bột bả). Chỉ nên bả vừa đủ không nên bả quá dày gây ra hiện tượng bong tróc cả mảng ảnh hưởng đến chất lượng sơn sau này.

Sau khi bả xong, chờ khô rồi dùng giấy giáp(nhám) chà cho phẳng đến độ cần thiết, phủi cho sạch bụi sau đó dùng khăn (Rulo) ẩm lau(Lăn) cho sạch và tạo cho bề mặt bả có độ đông kết sau khi chà. Chờ cho khô từ ½ đến 1 ngày sau đó sơn lót kháng kiềm.

 

    1. Thi công sơn lót kháng kiềm.

Khi bề mặt tường đã đạt điều kiện thi công cần thiết chúng ta tiến hành sơn lót kháng kiềm. Căn cứ vào bề mặt nội thất, ngoại thất hoặc các vị trí thường xuyên tiếp xúc với điều kiện khắc nghiêt để lựa chon ra loại sơn lót kháng kiềm nội, ngoại thất cho phù hợp. Trước khi tiến hành lăn sơn lót kháng kiềm cần phải khuấy đều thùng sơn. Sơn lót từ 2 đến 3 lớp để phủ kín hoàn toàn bề mặt , đảm bảo độ dày tránh bị kiềm trong hồ(vữa) đẩy ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến mỹ quan và chất lượng sơn phủ.

Mặt khác, tính chất kháng kiềm của sơn lót giúp cho lớp sơn phủ không bị mất màu, việc phủ trắng hoàn toàn của sơn lót giúp cho màu của sơn phủ được thể hiện chính xác và đẹp hơn. Mỗi lớp sơn lót cách nhau từ 30 phút đến 1 tiếng (tùy vào thời tiết).

* Chú ý: Do tính chất của sơn lót kháng kiềm Nice Space sealer là chống lại kiềm hóa trong hồ(vữa), phấn hóa, bong tróc, loang màu,….. là loại sơn tạo liên kết chặt chẽ giữa tường và lớp sơn phủ vì vậy phải lựa chọn đúng chủng loại sơn lót chống(Kháng) kiềm chứ không được lấy sơn trắng thay cho sơn lót chống kiềm vì các loại sơn lót trắng không có tác dụng như sơn lót kháng kiềm. Tốt nhất bạn nên chọn sơn Nice Space sealer để đạt hiệu quả tốt nhất cho ngôi nhà của bạn.

 

    1. Thi công sơn phủ hoàn thiện.

Căn cứ việc xác định chủng loại sơn, màu sắc cần thiết cho từng bề mặt, từng vị trí và diện tích cần sơn phù hợp chúng ta tiến hành sơn phủ.

Trước khi sơn phủ hoàn thiện phải khuấy thùng sơn từ 2 đến 3 phút cho các hỗn hợp, màu sắc được đồng đều (Do tỷ trọng của các chất trong thùng sơn khác nhau nên phải khuấy kỹ để tránh bị chỗ đậm, nhạt màu hay chỗ bóng chỗ không bóng,…), thi công sơn từ 2 đến 3 lớp, lớp trước các lớp sau từ 2 đến 3 giờ (tùy vào thời tiết).

* Chú ý: - Không được san thành nhiều thùng khi chưa được khuấy kỹ.

- Tuyệt đối không đưa sơn trong nhà ra sơn ngoài trời.

- Không lăn sơn phủ quá mỏng dẫn đến lớp sơn không đảm bảo như độ che phủ, độ bóng, độ bền màu.

- Đối với ngôi nhà thoáng nhiều cửa, không bị che chắn, ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào trong nhà nhiều, bạn nên sử dụng sơn ngoài trời đưa vào trong nhà để sản phẩm không bị phấn hóa, mất màu, loang màu.

 

Bình luận